Skip to main content

Chùa Giồng Thành - Địa chỉ đỏ cách mạng

Chùa Giồng Thành thuộc ấp Long Hưng 2, Long Sơn; cách trung tâm thị xã Tân Châu 3 km. Khuôn viên chùa rộng khoảng 3 ha, nằm khuất giữa vườn cây và gần ruộng lúa. Từ năm 1972 có một đường chính vào chùa nhưng khá ngoằn ngoèo. Hiện nay, địa phương mở đường thẳng từ lộ 954 vào chùa khoảng một cây số, vừa rút ngắn khoảng cách, vừa khang trang, thuận lợi cho việc đi lại hơn.
Đã từ lâu, chùa Giồng Thành được xem là nơi gắn liền với lịch sử mở đất và giữa đất - một thắng cảnh của vùng Tân Châu. Trước kia và cả bây giờ, chùa có tên " Long Hưng tự", nhưng người ta thường biết đến tên chùa Giồng Thành nhiều hơn. Sở dĩ chùa mang tên này, là do nằm trên địa điểm của bảo (đồn) Tân Châu xây dựng năm 1842 thời triều Nguyễn, có thành đất cao bao bọc chung quanh.
Khi mới hình thành, chùa này chỉ là ngôi chùa lá nhỏ hướng về phía Tây, do ông Trần Minh Lý sáng lập vào năm 1875. Đến thời ông thủ tạ Lạc sửa đổi ngôi chùa quay mặt về hướng Đông.
Đến năm 1927, Hoà thượng Chánh Hườn ( Hoà thượng Điền) đã đứng ra xin phép nhà cầm quyền đi quyên góp tiền của thập phương bá tánh để xây dựng lại cảnh từ bi đồ sộ và được tu bổ dần như ngày nay. Kế vị ông là Hoà thượng Chơn Như (đến 1973) rồi Đại Đức Thích Thiện Duyên (đến 1996) và tiếp đó là Đại đức Thích Thiện Hỷ.
Đặt trên nền thành cũ thời mở đất và giữ đất phương Nam, là nơi sớm tập trung dân binh sinh sống và đồn trú chống giặc ngoại xâm, nên con người nơi đây giàu lòng yêu nước và có truyền thống đoàn kết, nhân nghĩa. Trong bối cảnh thực dân Pháp xâm chiếm nước ta, triều đình nhà Nguyễn bị lệ thuộc đã có nhiều quan binh, chí sĩ yêu nước liên tục đấu tranh. Các phong trào chống Pháp của các nghĩa binh Văn thân, Cần vương lần lượt bị thất bại, một số người bôn ba về vùng đất An Giang tiếp tục hoạt động, thông qua chiêu bình, lập đồn và cả truyền bá tư tưởng yêu nước cho nhân dân. Trong đó, có những nhà yêu nước hoạt động nương thân dưới triết lý từ bi của đạo Phật.
Từ những năm đầu thế kỷ XX, phong trào Thiên Địa hội ( kèo xanh, kèo vàng) phát triển mạnh ở vùng Long sơn với nơi hoạt động chính là các cơ sở thờ tự. Nhiều thanh thiếu niên trong vùng vào chùa vừa để làm công đức vừa được nghe giảng về đạo, về đời, về thân phận của người dân mất nước.
Khoảng năm 1928- 1929, nhà nho yêu nước- Cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã dừng chân tại chùa này làm nghề hốt thuốc. Quá trình nương náu tại đây ông đã truyền bá chủ nghĩa yêu nước cho nhiều thanh niên trong vùng, được bà con quí mến, chở che...Hoạt động của Cụ làm cho nhà cầm quyền đương thời chú ý, lên kế hoạch ngăn chặn, vây bắt... Được sự hỗ trợ của ba con địa phương, Cụ lánh về Cao Lãnh.
Nằm ở địa thế sầm uất, hoang sơ, xa lộ, xa sông, gần đồng ruộng; từ ngoài đường đi vào nhà qua nhiều lớp nhà dân, nên chùa có được địa thế thuận lợi trong việc tụ họp, che chắn được tai mắt của lính làng. Do vậy, từ uy tín của những vị chủ trì, thủ tự, sự gắn bó với những người dân yêu nước mà nơi đây đã từng là địa điểm sinh hoạt, truyền bá chủ nghĩa yêu nước, nơi gặp gỡ hội họp bí mật; kể cả nhiều hoạt động cách mạng trong thời tiền khởi nghĩa.
Trong khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, vai trò và nhiệm vụ của khu vực chùa Giồng Thành được nêu khá cụ thể trong kế hoạch phối hợp hành động. Thời kỳ chuẩn bị cho Cách mạng tháng Tám 1945, nơi đây còn được làm nơi tập hợp thanh niên luyện tập quân sự, sinh hoạt, học tập chính trị.
Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chùa gần như chính thức là cơ sở cách mạng trong vùng. Trụ sở nhiều cơ quan, đơn vị quân dân chính đảng đều đặt tại khu vực này. Các cuộc tuần hành, biểu tình sau khi kéo lên Tân Châu thường trở về đi quanh chùa rồi mới giải tán.
Trong những ngày tháng khó khăn của cách mạng do địa bàn bị chia cắt. chùa cũng là nơi để cán bộ về móc nối với cơ sở, đứng chân hoạt động. Đặc biệt, từ năm 1932, hòa thượng Chơn Như được kết nạp Đảng thì ngôi chùa càng trở nên thuận lợi cho việc tổ chức, chỉ đạo, triển khai các phong trào đấu tranh cách mạng trong vùng.
Những năm 1954 - 1955, chùa là cơ sở qua lại của cán bộ Tỉnh ủy, Huyện ủy; tổ chức được các lớp học tập chính trị. ..Chùa cũng là một trong những địa điểm trong hệ thống trạm giao liên của Xứ ủy Nam bộ, mà nhiều đồng chí lãnh đạo Xứ ủy từng được che chở, bảo vệ trong thời gian tạm đứng chân ở Long Sơn.
Nói chung, chùa Giồng Thành thật sự là căn cứ- địa chỉ đỏ của phong trào cách mạng trong vùng. Trong suốt những tháng năm đấu tranh giành độc lập, có rất nhiều cán bộ tại chổ và từ địa bàn khác về đây hoạt động, nương náu được đùm bọc, bảo vệ. Đây cũng là nơi mà nhân dân trong vùng chọn làm điểm an toàn trong những lúc giặc giả, khó khăn.
Những việc làm của Hòa thượng Chơn Như thật sự thu hút và lôi kéo được sự ủng hộ của nhân dân trong vùng, có uy tín rất lớn và đóng góp cho phong trào cách mạng địa phương trong những năm kháng chiến. Dù kẻ địch biết và có âm mưu ngăn chặn song vẫn không khuất phục được trước tinh thần tôn trọng, tin tưởng, gắn bó của nhân dân trong vùng với “ cửa thiền” này.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã từng dừng chân, nương náu tại chùa khi hoạt động ở vùng này vẫn còn vương vấn nhiều kỷ niệm sâu sắc không chỉ về cảnh quan, địa thế mà còn với tấm lòng của những con người nơi đây.
Một địa danh, một trụ sở không tự thân làm nên lịch sử. Mà do địa danh, trụ sở đó đã góp phần làm nên lịch sử nên nó là di tích lịch sử. Có những nơi chỉ một lần chứng kiến sự kiện lịch sử đã được ghi danh thì chùa Giồng Thành, với cả một quá trình là căn cứ địa cách mạng chắc chắn sẽ không phai mờ trong ký ức của những người yêu nước.
Vinh dự ấy đã được ghi nhận. Với quyết định số 235 ngày 12/12/1986 của Bộ Văn hóa - Thông tin, chùa Giồng Thành đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng.
Từ năm 1990 đến nay, chùa đã và đang được tu bổ khang trang hơn, như mở đường thẳng vào chùa, xây dựng khuôn viên, nhà lưu niệm, lập bia ghi danh liệt sĩ phường Long Sơn.
Hàng năm, vào các dịp rằm, lễ, tết. húy kỵ Sư ông…nhiều bá tánh thập phương vẫn đến cúng viếng chùa bày tỏ niềm thành kính, trân trọng. Chùa còn là nơi tụ họp tổ chức nhiều lễ hội truyền thống sôi nổi của huyện, thị xã và phương…Xứng đáng là một địa điểm du lịch và một địa chỉ “ Về nguồn” của mọi người./.